Dù đã sử dụng mạng xã hội nhiều năm, nhưng mỗi khi đọc những bình luận trên Facebook, TikTok, Instagram hay YouTube, mình vẫn không khỏi bất ngờ trước sự vô học, lưu manh và hung dữ của nhiều người. Thật khó hiểu vì sao họ có thể viết ra những lời lẽ xúc phạm người khác một cách vô văn hóa như vậy được?
Bất ngờ và cảm thông
Tuy nhiên, khi suy ngẫm kỹ hơn, mình bắt đầu nhận ra rằng những câu chữ đầy cay nghiệt ấy không chỉ là sự thể hiện của cá nhân mà còn phản ánh những vấn đề xã hội sâu xa hơn. Có lẽ, đằng sau mỗi câu bình luận tiêu cực là một cuộc đời đầy khó khăn, thất vọng và bất hạnh.
Điều đáng nói là, những bình luận tiêu cực này không chỉ đến từ giới trẻ hay những người thiếu kinh nghiệm sống mà còn từ cả những người lớn tuổi, thậm chí là cha mẹ – những người lẽ ra nên là tấm gương về cách ứng xử cho con cái. Điều này cho thấy rằng vấn đề này không chỉ xuất phát từ việc thiếu giáo dục hay môi trường sống của trẻ em, mà còn là hệ quả của những bất cập trong xã hội, tác động đến mọi tầng lớp và lứa tuổi.
Những hành vi tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ là biểu hiện của tính cách cá nhân mà còn là hệ quả của những vấn đề sâu xa trong cuộc sống hàng ngày. Khi một người, dù là trẻ em hay người lớn, liên tục phải đối mặt với những áp lực về tài chính, gia đình, công việc hoặc quan hệ xã hội, họ dễ dàng rơi vào cảm giác bất lực và tức giận. Những bình luận đầy sự công kích và xúc phạm có thể là sự phản ánh của một nội tâm đầy mâu thuẫn, đau khổ và tuyệt vọng. Họ không có cách nào khác để giải thoát cảm xúc ngoài việc trút giận lên người khác, thông qua những lời lẽ cay nghiệt trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, môi trường mạng xã hội với tính ẩn danh cao cũng góp phần làm gia tăng sự hung hãn và thô lỗ. Khi không phải đối mặt trực tiếp với người khác, ngay cả những người đã trưởng thành, những người được xã hội kỳ vọng là sẽ cư xử chín chắn hơn, cũng dễ dàng buông ra những lời nói mà họ có thể không bao giờ dám nói trong cuộc sống thực.
Giải quyết vấn đề này có được không? Chắc chắn rất khó và cũng không thực hiện được từ ngày này qua ngày kia, mà phải cần một thời gian thật dài với cách thức là mỗi cá nhân trong xã hội cần được giáo dục về cách sống tử tế và đạo đức. Nếu chúng ta muốn sống hoặc muốn con cháu mình lớn lên trong một xã hội văn minh và hạnh phúc, thì mọi cá nhân, dù là trẻ em hay người lớn, đều phải có tư duy cuộc sống luôn biết tôn trọng lẫn nhau.
Phản ứng khi bị chỉ trích về hành vi trên mạng xã hội
Sau khi mình viết một bài về lý do vì sao nhiều người lên mạng xã hội và dùng những lời vô văn hóa để công kích người khác, minh nhận ra rằng có thể nhiều người đang cảm thấy khó chịu khi nhận ra bản thân mình trong những hành vi đó. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì không ai muốn thừa nhận mình đang hành xử không đúng mực và thiếu sự tử tế và văn minh. Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ và điều chỉnh, họ lại chọn cách tiếp tục sử dụng những lời lẽ thô lỗ để bảo vệ bản thân. Đây là một minh chứng rõ ràng cho như mình đã nói: “Môi trường mạng xã hội với tính ẩn danh cao cũng góp phần làm gia tăng sự hung hãn và thô lỗ, khi họ không phải đối mặt trực tiếp với người khác”.
Những bình luận phản bác này thường mang tính chất tự vệ và tiếp tục công kích, nhưng với một lý luận sai lầm rằng “người khác cũng làm vậy, nên tôi có quyền làm vậy.” Họ không chấp nhận rằng hành vi của mình là vô văn minh, mà thay vào đó, họ cố gắng biện minh bằng cách so sánh với những người có hành động tệ hơn. Ví dụ, họ có thể lập luận rằng nếu người khác vi phạm pháp luật bằng cách vượt đèn đỏ mà không bị bắt, thì họ cũng có quyền làm như vậy. Tuy nhiên, đây là một cách suy nghĩ sai lầm, thiếu sự hiểu biết và mang tính lệch lạc.
Sự so sánh này không những không cải thiện tình hình mà còn đẩy xã hội vào một vòng xoáy tiêu cực. Thay vì sử dụng những lý luận vô căn cứ để bảo vệ cái tôi của mình, mỗi người cần học cách tự kiểm điểm và thay đổi hành vi.
Nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội tử tế, đạo đức và văn minh, chúng ta phải bắt đầu từ việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính mình.
(Bài viết trên facebook của Thái Công Quách)